Đồng hành cùng con - Trích nhật ký của một phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ
Trung tâm Hướng nghiệp và Tiếp sức trẻ học hòa nhập chia sẻ chặng đường đồng hành với con bị rối loạn phổ tự kỷ của một phụ huynh.
“Thưa các bạn, hơn 10 năm làm việc với các trẻ này, năm nào chúng tôi cũng phải tiếp nhận những trẻ có trở ngại khi vào lớp một để điều chỉnh lại. Để hiểu một phần về những khó khăn của trẻ, chúng tôi xin trích đoạn thư của phụ huynh có con như vậy đã chia sẻ như sau:
…. 14 tháng,
Lần đầu mẹ đưa con đi khám ở BV Nhi trung ương, bác sĩ kết luận theo dõi rối loạn phổ tự ký, về nhà tích cực chơi với con.
Về nhà, bố mẹ cũng chơi với con nhưng con cũng không tập trung, mắt nhìn xa xăm, như đang ở một thế giới khác vậy. Đến tối, con trằn trọc khó vào giấc.
18 tháng, mẹ cho con sang Trung tâm…. để kiểm tra, thầy kết luận con chỉ chậm nói, về nhà cho con đi học mầm non ngay. con bắt đầu có những âm thanh đầu tiên rõ nét, đếm từ 1-30 (tiếng Anh) rõ ràng. Con mê màu sắc, chữ số, tiếng anh, cảm xúc cũng rõ nét. Mẹ mừng lắm vì con chỉ bị chậm nói thôi. Nghe lời thầy giáo, mẹ xin cho con vào học mầm non công ngay gần nhà dù con chưa được 20 tháng tuổi. Cô giáo rất thương yêu con nhưng có lẽ mọi thứ quá khó với con, con không hiểu, con không tiếp cận với các bạn được, con lủi thủi chơi một mình, nằm như một con mèo con suốt ngày.
27 tháng
Bố mẹ lại cho đi tái khám BV Nhi trung ương, Bệnh viện kết luận theo dõi rối loạn phổ tự kỷ, cho học cá nhân chuyên biệt ngay.
Mẹ vội vàng tìm một cô giáo chuyên biệt cho con. Cứ từ sáng đến trưa học mầm non, chiều học cá nhân. con bắt đầu có giao tiếp các từ đơn, tuy nhiên, giao tiếp mắt kém, còn nói linh tinh nhiều. Đến 30 tháng, con bắt đầu biết đọc tiếng Việt và viết các nét cơ bản.
Học cô giáo chuyên biệt một thời gian, mẹ cho con nghỉ học cá nhân, tập trung học trường mầm non tư thục. Ở đây, cô giáo chăm sóc con rất tốt nhưng con vẫn chưa hòa nhập được, con chỉ xách cặp đến trường, nhìn các bạn chơi và ngắm mây trời, không biết chơi với các bạn, chưa biết gọi ị, đái.
40 tháng
Mẹ cho con đi học ở 1 trung tâm chuyên biệt, học nhóm vừa học vừa chơi. Lúc bắt đầu học, con chưa biết chào hỏi, âm thanh nhỏ, yếu, nói linh tinh, chưa có hành vi tăng động. Học khoảng hơn một tháng, con đã bắt đầu biết chào hỏi cơ bản, nói âm rõ hơn. Con tiếp tục học ở Trung tâm thêm một năm nhưng vì Trung tâm tiếp nhận các bạn bị nặng quá, con sợ không dám đến trường. Lúc này, con đã 5 tuổi, mới chỉ giao tiếp với các từ khóa cơ bản, biết gọi khi có nhu cầu ị, đái, bắt đầu có hành vi tăng động hơn so với giai đoạn trước.
Nghỉ học trung tâm, mẹ thuê giáo viên can thiệp theo giờ ở nhà. Con rất thích học cô giáo, chịu khó nghe lời cô giáo học tập, giao tiếp câu dài hơn (5 từ 1 câu), biết đọc, biết viết, làm toán cơ bản, chuẩn bị hành trang vào lớp một nhưng vẫn còn nhiều hành vi khác biệt, đánh, xô đầy em khi không hài lòng, nói linh tinh vô nghĩa giảm nhưng nói lặp lại, nói chưa đúng hoàn cảnh xuất hiện, ăn cơm chưa biết nhai, chỉ biết nuốt, kén ăn (chỉ ăn cơm với canh, không ăn hoa quả, không ăn sữa chua...)
Giai đoạn chuẩn bị đi học lớp một
Tháng 8/2019, con bước vào giai đoạn học hè chuẩn bị vào lớp một. Trường đầu tiên, học được một tuần, cô giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng gọi mẹ lên trường, đề nghị chuyển trường cho con. Mẹ cố gắng xin cho con học thử thêm một thời gian xem khả năng con thích nghi thế nào. Nhưng con quậy phá, gào thét, đánh bạn, chạy quanh sân trường, lên tầng thượng, nghịch ổ điện... khiến cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đề nghị cho con nghỉ học, chuyển trường.
Những tháng đầu lớp một
Tháng 9/2019, con chuyển sang trường thứ hai. Cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm quý mến, tạo điều kiện cho con học. Hàng ngày, con chỉ đến trường 2 tiếng từ 8h30 đến 10h30. Nhưng đến trường, hôm thì con không chịu vào trường, hôm thì con chịu vào trường học thì nằm ra bàn, nằm ra sân, vẽ lên tường, đánh nhau với các bạn, không ngồi yên học bài.... Được 3 tuần, cô giáo chủ nhiệm cũng đề nghị cho con chuyển trường….