Tập huấn "Nâng cao năng lực cho Đại sứ dự án trong truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên khuyết tật"
Dự án Cơ thể nói (Body talk) do thành viên VAEFA - Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) thực hiện với sự hợp tác cùng VAEFA. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thanh thiếu niên khuyết tật trong độ tuổi từ 12 đến 25 đưa ra lựa chọn sáng suốt về cơ thể và cuộc sống của chính các em để có thể tự tin và khám phá hình ảnh tích cực về bản thân, phát triển tính dục và các mối quan hệ theo mong muốn của riêng mình.
Trong khuôn khổ dự án này, Điều phối viên VAEFA – chị Nguyễn Thị Kim Anh và cán bộ chương trình VAEFA - chị Nguyễn Thị Thủy làm giảng viên hai lớp tập huấn cho Nhóm đại sứ thanh thiếu niên khuyết tật tại hai tỉnh Đắk Lắk và Quảng Trị. Khóa tập huấn giúp các em học sinh hiểu và nắm bắt được khái niệm truyền thông, thông điệp truyền thông và xây dựng kế hoạch truyền thông về chủ đề chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì và phòng tránh xâm hại tình dục. Đặc biệt, khóa tập huấn có sự tham gia của cô Nguyễn Thị Ngọc Anh – giáo viên người điếc có kinh nghiệm trong giảng dạy về chủ đề sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh điếc. Cô Ngọc Anh không chỉ giúp các em học sinh củng cố kiến thức liên quan đến SKSS mà còn là một tấm gương truyền cảm hứng cho các em học sinh điếc, giúp các em tự tin vào bản thân để truyền đi các thông điệp tích cực đến với các bạn đồng trang lứa.
Tập huấn được tổ chức theo phương pháp cùng tham gia với các trò chơi, hoạt động thảo luận sôi nổi, các phiên truyền thông mô phỏng (dưới hình thức đóng vai, diễn kịch…) được các em chuẩn bị công phu và thể hiện thành công. Vở kịch của nhóm các em điếc và khiếm thính chuẩn bị trong lớp tập huấn đã được lựa chọn trình diễn trong buổi truyền thông ngày hôm sau trước 40 bạn học sinh điếc của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Trẻ Khuyết tật tỉnh Đắk Lắk.
Một kết quả ngoài mong đợi là sự tham gia rất tích cực của cha mẹ/người chăm sóc của các em học sinh tham gia tập huấn. Họ là các ông bố, bà mẹ người Mơnông, Ê đê đã vượt đường xa đưa đón con đi học và rất nhiệt tình tham gia cùng các con khi nhóm giảng viên có lời mời. Nhóm giảng viên tin tưởng rằng, cha mẹ cũng là những “Đại sứ dự án” giúp truyền đi các thông điệp về chăm sóc SKSS cho thanh thiếu niên và thanh thiếu niên khuyết tật tại nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Cuối khóa tập huấn, các em học sinh và cha mẹ với sự hỗ trợ của thầy cô và cán bộ dự án RCI (chị Lê Thị Hà) đã thảo luận và lập kế hoạch các hoạt động truyền thông tại trường và cộng đồng trong thời gian tới để lan tỏa thông điệp về quyền bình đẳng và quyền được hỗ trợ, tư vấn thông tin về SKSS cũng như phòng tránh xâm hại tình dục cho thanh thiếu niên khuyết tật.
Dưới đây là một số hình ảnh trong lớp tập huấn tại Đắk Lắk và Quảng Trị vào ngày 27-28/8 và 15 - 17/9/2023