Hội nghị Tham vấn thường niên các Liên minh vận động chính sách về Giáo dục khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2018 tại Sri Lanka
Hội nghị "Tham vấn thường niên các Liên minh vận động chính sách về Giáo dục khu vực Châu Á Thái Bình Dương" được tổ chức từ ngày 2-5 tháng 9 năm 2018 tại Colombo, Sri Lanka. Hội nghị do Hiệp hội Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Người lớn khu vực Châu Á TBD (ASPBAE) chủ trì và Liên minh Phát triển Giáo dục (CED) Sri Lanka đăng cai tổ chức.
Tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức thành viên và đối tác của ASPBAE trong việc cải thiện quyền giáo dục, tập trung vào giáo dục cơ bản, giáo dục thanh thiếu niên và người lớn trong các mục tiêu phát triển bền vững SDG, đặc biệt là SDG 4 về giáo dục là những mục tiêu chính của Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các cán bộ đến từ 21 Liên minh giáo dục trong khu vực, đại diện từ 7 tổ chức của thanh thiếu niên, các thành viên Hội đồng điều hành và cán bộ ASPBAE, đại diện tổ chức Chiến dịch Toàn cầu vì Giáo Dục (GCE) và đại diện cơ quan tài trợ - Quỹ đối tác Toàn cầu vì Giáo dục (GPE).
Bà Nani Zulminarni - Chủ tịch ASPBAE - thắp nến khai mạc Hội nghị
Ngày đầu tiên, hội nghị tập trung chia sẻ kết quả và đưa ra khuyến nghị từ một số nghiên cứu của các tổ chức thành viên của ASPBAE về Quyền được tiếp cận giáo dục, chính sách và cơ hội tài chính cho đào tạo kỹ năng làm việc cho nhóm phụ nữ yếu thế, tài chính giáo dục, tăng cường năng lực cho các tổ chức sinh viên và thanh niên, các tổ chức thuộc các nhóm yếu thế.
"Phụ nữ Điếc tại Việt Nam còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế khi dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu còn chưa được quan tâm"- Chia sẻ từ bà Vũ Thị Hồng - Thành viên Ban lãnh đạo Chi hội người Điếc Hà Nội
Nội dung thảo luận về kế hoạch tổ chức Diễn đàn chính trị cấp cao năm 2019 (HLPF), báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự (CSO) và báo cáo tự nguyện cấp quốc gia của chính phủ (VNR) về các mục tiêu phát triển bền vững là những hoạt động chính trong ngày thứ hai của Hội nghị.
Các phiên thảo luận mở cũng được tổ chức nhằm cung cấp cho người tham gia góc nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề như: Giáo dục hòa nhập – Kinh nghiệm từ VAEFA và Chi hội người Điếc Hà Nội trong việc vận động chính sách trong giáo dục cho người Điếc; vận động chính sách chống lại sự độc quyền trong giáo dục tư nhân, kinh nghiệm hay trong việc đa dạng hóa chính sách tài chính giáo dục của Philippines, sử dụng mạng xã hội trong việc vận động chính sách và tổ chức chiến dịch truyền thông, kỹ năng việc làm cho thanh niên của Timor Leste.
Trong ngày thứ ba và thứ tư, các đại biểu tập trung thảo luận việc duy trì và tăng cường sự gắn kết với GPE, chuẩn bị các báo cáo và kiểm toán tài chính độc lập kết thúc giai đoạn 3 dự án Quỹ Giáo dục xã hội dân sự CSEF, tài liệu hóa các thực hành tốt, kinh nghiệm tốt và truyền thông hiệu quả những kết quả và bài học từ dự án. Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, Ban điều hành GCE và GPE sẽ tiến hành một loạt cuộc họp quan trong nhằm đưa ra quyết định về việc tiếp tục các dự án tài trợ cho các liên minh giáo dục trên toàn cầu.
Các đại biểu chụp ảnh kết thúc hội nghị