Họp thường niên các Liên minh giáo dục khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Nhằm nâng cao năng lực cho các Liên minh giáo dục trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong vận động chính sách để góp phần thực thi và giám sát mục tiêu phát triển bền vững số 4 về giáo dục (SDG4), cuộc Họp thường niên các Liên minh giáo dục khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2017 đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Hiệp hội Giáo Dục Cơ Bản và Giáo Dục Người Lớn Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương (ASPBAE). Hiệp hội Vì Giáo Dục Cho Mọi Người Việt Nam (VAEFA) giữ vai trò nước chủ nhà đăng cai tổ chức sự kiện này.
Ông Trần Xuân Nhĩ – Chủ tịch Hiệp hội Vì Giáo Dục Cho Mọi Người Việt Nam phát biểu khai mạc cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có gần 100 đại biểu đại diện cho các Liên minh giáo dục đến từ 29 Quốc gia trong khu vực. Đặc biệt kỳ họp lần này cũng có sự tham dự của một số khách mời đến từ khu vực Trung Đông và Mỹ La Tinh. Cuộc họp là một hoạt động thường niên trong khuôn khổ dự án Quỹ Giáo Dục Xã Hội Dân Sự (CSEF), một sáng kiến của GCE do GPE tài trợ.
Chia sẻ của các đại biểu tham dự đã vẽ lên bức tranh toàn cảnh về những xu hướng nổi bật và thách thức chính trong giáo dục khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Sự nghèo đói, bất bình đẳng và tác động nặng nề của biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính khiến 136 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trong khu vực không có cơ hội được đến trường. Bên cạnh đó, nhiều rào cản trong vận động tài chính cho giáo dục vẫn tồn tại trong khu vực khi còn nhiều chính phủ vẫn chưa thực sự coi trọng đầu tư cho lĩnh vực thiết yếu này.
Trong khi đó ở Trung Đông, hàng triệu trẻ em đang bị tước đi cơ hội học tập do các cuộc xung đột diễn ra triền miên. Nhiều giáo viên và học sinh đến trường trong nguy hiểm súng đạn cận kề, nhiều phòng học bị phá hủy bởi bom và nhiều trẻ em phải vượt qua vùng giao tranh chiến sự để tới trường. Không những vậy, nghề giáo không có chỗ đứng trong xã hội tại các quốc gia Trung Đông. Họ nhận được mức lương và trợ cấp rất thấp. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ nhà giáo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Tại khu vực này, vẫn còn tới 40-80% trẻ trong độ tuổi đến trường bị mù chữ.
Do chất lượng kém, thiếu nguồn lực tài chính và thiếu hiệu quả trong quản lý giáo dục công, khu vực Mỹ La Tinh chứng kiến xu thế gia tăng tư nhân hóa giáo dục – xu thế được đưa ra như một giải pháp duy nhất và cấp thiết trong bối cảnh hiện tại ở khu vực này. Sự tập trung đầu tư phát triển nhân tài, chủ nghĩa cá nhân, chạy theo thành tích thông qua các cuộc kiểm tra chuẩn hóa và doanh nghiệp hóa trong giáo dục được thúc đẩy. Các tổ chức của sinh viên và Công đoàn giáo viên bị suy yếu và rạn nứt dưới các áp lực về thuế và lý luận “học thông qua công nghệ thông tin và truyền thông”. Sự tham gia của khối xã hội dân sự bị kìm hãm và sụt giảm. Niềm vui, sự hào hứng trong học tập bị thay thế bởi áp lực thành tích và cạnh tranh tạo ra nhiều hiện tượng rất đáng báo động trong người học như trầm cảm, bức xúc, cáu giận. Tính đa dạng, dân chủ, hòa nhập, đoàn kết, hợp tác, nhân văn trong giáo dục công bị suy yếu. Giáo dục chỉ được xem như một công cụ để tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường lao động. Điều này gây ra những tác động tiêu cực làm gia tăng bất công và bất bình đẳng xã hội.
Đứng trước các thách thức trong phát triển giáo dục, vai trò của các Liên minh trong vận động chính sách cho giáo dục ở cấp Quốc gia là vô cùng quan trọng. Phần chia sẻ kinh nghiệm của các Quốc gia được bố trí theo chủ đề: Giáo dục hòa nhập, giáo dục tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bạo lực và xung đột sắc tộc. Việt Nam được mời chia sẻ trong mảng giáo dục hòa nhập với kinh nghiệm vận động chính sách đảm bảo quyền học tập của người Điếc. Bà Nguyễn Thị Kim Anh – Điều phối viên quốc gia của VAEFA và ông Phạm Anh Duy – Chủ tịch Chi hội người Điếc Hà Nội (HAD) đã có phần đồng trình bày về chủ đề này. Nhận thức được những khó khăn trong tiếp cận giáo dục, những tồn tại trong chất lượng giáo dục dành cho người Điếc cũng như những hạn chế trong đào tạo và tuyển dụng giáo viên Điếc, VAEFA và HAD đã phối hợp vận động mở rộng giáo dục thông qua ngôn ngữ ký hiệu, vận động sử dụng giáo viên Điếc và phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong giáo dục dành cho người Điếc. Các hoạt động phối hợp giữa VAEFA và thành viên của mình là HAD đã mở ra các cơ hội hợp tác mới với VTV7 và Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương trong thời gian tới.
Trong cuộc họp, các Liên minh cũng chia nhóm thảo luận về chiến lược vận động chính sách cấp vùng và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch huy động tài trợ bổ sung cho giáo dục của GPE.
“Cuộc họp thường niên các Liên minh giáo dục khu vực Châu Á Thái Bình Dương không thể thành công như vậy nếu không có sự hợp tác tuyệt vời và sự tham gia nhiệt tình của Ban thường vụ, văn phòng và các thành viên của VAEFA” – Trích phát biểu của bà Maria Khan – Tổng thư ký ASPBAE. Thay mặt cho VAEFA, Phó chủ tịch VAEFA – ông Nguyễn Xuân Phương đã bày tỏ niềm vinh dự được đăng cai tổ chức hội nghị lần này và gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các đại biểu đến từ các Liên minh giáo dục các nước, tổ chức ASPBAE, GCE và GPE.