Hội thảo Chung tay mang sách giáo khoa đến với học sinh mù

Ngày 15 tháng 12 năm 2022, tại Khách sạn Hà Nội, Hội Người Mù Việt Nam và Hiệp hội Vì Giáo dục Cho Mọi Người Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chung tay mang sách giáo khoa đến với học sinh mù”. Đây là một hoạt động nằm trong sáng kiến “Thư viện sách dành cho học sinh khuyết tật” được phối hợp triển khai thực hiện bởi Hội Người Mù Việt Nam (HNM) và Hiệp hội Vì Giáo dục Cho Mọi người Việt Nam (VAEFA) với sự cố vấn của PGS. TS Nguyễn Đức Minh - Chuyên gia giáo dục đặc biệt – Nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Đại diện đến từ Ban Chỉ đạo Trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn – Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNDP, ATDO, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập – Trường Cao đẳng Sư phạm Hà nội, Dự án sách hóa nông thôn, Nhóm Làm sách nói, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, phụ huynh học sinh khiếm thị, lãnh đạo Hội Người Mù Việt Nam, thành viên Ban Thường vụ Hiệp hội Vì Giáo dục Cho mọi ngươi Việt Nam đã tham dự hội thảo.

 

Học sinh khuyết tật là đối tượng người học cần có những hỗ trợ trên nhiều khía cạnh để có thể học tập hiệu quả, công bằng và chất lượng. Với mỗi dạng khuyết tật khác nhau, lại cần có sự điều chỉnh cụ thể và phù hợp để đảm bảo tính tiếp cận và cơ hội học tập và phát triển hòa nhập của các em như điều chỉnh cơ sở hạ tầng, phát triển chương trình giáo dục, sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp và trang bị các phương tiện, thiết bị giáo dục phù hợp, nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường và cộng đồng về đặc điểm và nhu cầu của học sinh khuyết tật,...

Cung cấp sách giáo khoa chữ nổi Braille và sách nói cho học sinh mù là việc cấp thiết cần thực hiện ngay. Tại hội thảo, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người Mù Việt Nam chia sẻ: “Việc tiếp cận sách chữ nổi braille với các em học sinh mù là vô cùng quan trọng và thiết yếu bởi nếu chỉ có sách nói thì các em học sinh mù sẽ không biết chữ và không biết viết, những kiến thức tiếng Việt quan trọng như chính tả, từ ngữ hay các bảng biểu, biểu tượng, hình không gian trong các môn tự nhiên cũng sẽ không được truyền đạt đầy đủ. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng có cơ hội được lắng nghe những băn khoăn trăn trở từ những người gần gũi nhất với các em học sinh mù trong hành trình đồng hành cùng các con trên con đường học tập.”

Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Phụ huynh học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Khi con học theo chương trình phổ thông 2018, mẹ mất nhiều thời gian hơn rất nhiều khi phải đọc cho con nghe, quay và thu lại bài giảng,… nhưng dù con nghe đến 2, 3 lần cũng không hiệu quả bằng việc con tự đọc sách giáo khoa chữ nổi. “

Cô Tuyết Mai – Phó hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Học sinh khiếm thị học hòa nhập thường không làm việc nhóm được khi học dự án cùng các bạn sáng mắt bởi không tiếp cận được sách vở tài liệu các bạn thảo luận, điều dó dẫn đến việc các em học sinh mù tham gia học tập thụ động và không thực sự hòa nhập.”

Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh thúc đẩy việc xây dựng, điều chỉnh các quy định của Nhà nước thì cần gấp rút huy động sự tham gia của tổ chức, các cá nhân và gia đình học sinh trong chuyển đổi, nhân bản sách giáo khoa chữ nổi Braille để học sinh mù có sách giáo khoa phục vụ việc học tập. Bên cạnh việc huy động tổng hợp các nguồn lực để nhanh chóng có sách giáo khoa chữ nổi Braille thì cũng cần có giải pháp khắc phục những hạn chế về quản lý, sử dụng sách giáo khoa chữ nổi Braille dành cho học sinh mù.

Hội thảo đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người tham dự. Hưởng ứng và ủng hộ sáng kiến Thư viện sách cho học sinh khuyết tật và ý tưởng Chung tay mang sach giáo khoa đến với học sinh mù, chị Đào Thu Hương - UNDP đã có chia sẻ đứng từ hai góc độ. Với góc độ cá nhân là một người khiếm thị và có những trải nghiệm giáo dục gian nan, chị Hương thấu hiểu khó khăn khi sách giáo khoa dành cho học sinh mù vẫn thiếu, nhưng bên cạnh đó, từ góc độ công việc, chị Hương cũng nêu lên một thuận lợi mà chúng ta có thể xem xét đến đó là việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh mới đây đã mang lại nhiều cơ hội vận động các nguồn từ trong và ngoài nước về hỗ trợ công nghệ cũng như tài trợ đầu tư.

Với tinh thần luôn sẵn sàng hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng trong tương lai gần, tất cả học sinh mù, học sinh khuyết tật nhìn nói riêng và học sinh là người khuyết tật nói chung đều được đảm bảo phương tiện để học tập hiệu quả có chất lượng, phát triển và hòa nhập cộng đồng.

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm