Thăm và làm việc với trường Đại học Đồng Nai
Sáng ngày 05/10/2022, Hiêp hội Vì Giáo dục cho Mọi Người Việt Nam (VAEFA) đại diện là bà Nguyễn Kim Anh – Điều phối viên Quốc gia đã có buổi họp với trường Đại học Đồng Nai – đại diện bởi ông Lê Anh Đức – Hiệu trưởng và các cán bộ quản lý Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Điếc thuộc trường Đại học Đồng Nai về việc tiếp tục duy trì và phát huy mô hình giáo dục điếc tại Trung tâm.
Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Điếc thuộc trường Đại học Đồng Nai (Trung tâm Đồng Nai) được hình thành từ dự án do quỹ Nippon Foundation tài trợ năm 2000 với sự ủng hộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Trường Đại học Đồng Nai (khi đó là Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Đây là nơi đầu tiên tại Việt Nam những người điếc học thông qua ngôn ngữ ký hiệu và có thể học lên trình độ trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học (http://vanhoadiec.dnpu.edu.vn).
Năm 2006 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là bà Đặng Huỳnh Mai đã chỉ đạo việc nhân rộng mô hình đào tạo học sinh, sinh viên điếc của trường Đại học Đồng Nai ra miền Bắc. Từ năm 2007, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa Nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương tại Hà Nội đã học hỏi và tiếp nhận mô hình này dưới sự hỗ trợ và đạo tạo của các giáo viên và cán bộ của Trung tâm Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Đồng Nai trao đổi trực tiếp với ông Lê Anh Đức – Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai
Với chuyên môn trong lĩnh vực rất đặc thù này và kinh nghiệm đúc kết qua nhiều năm, hoạt động của hai Trung tâm nói trên không chỉ góp phần cải thiện tiếp cận và chất lượng giáo dục và đào tạo các thế hệ học sinh, sinh viên người điếc mà còn đóng góp đáng kể trong công tác tư vấn chính sách với các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc duy trì và nhân rộng mô hình giáo dục người điếc tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Điếc - Trường Đại học Đồng Nai và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập – Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương sẽ đảm bảo cơ hội giáo dục chất lượng cho cộng đồng người điếc tại Việt Nam. Với chất lượng đào tạo đã được khẳng định trong thực tế qua nhiều năm, hai mô hình này đã có những đóng góp giá trị về mặt chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục điếc trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện quy hoạch các cơ sở giáo dục học sinh khuyết tật và xây dựng các chính sách quan trọng hướng tới cải thiện mạnh mẽ việc tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục dành cho học sinh khuyết tật tại Việt Nam.