Tuyên bố của ASPBAE bảo vệ giáo dục, tăng cường đoàn kết trong nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch Covid - 19

          Tổ chức Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Người lớn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ASPBAE) cùng với cộng đồng trên toàn thế giới bày tỏ sự quan ngại liên quan đến đại dịch Covid - 19 với những tác động nặng nề đối với cuộc sống của mọi người trên thế giới, khiến các nhóm dễ bị tổn thương nhất phơi nhiễm với dịch bệnh và hậu quả khủng khiếp của nó. Các ca nhiễm bệnh và tử vong  tiếp tục tăng nhanh  trên toàn thế giới, kể cả ở nhiều nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà hệ thống y tế đang gặp nhiều thách thức.  Hàng trăm triệu người đã mất việc làm hoặc có nguy cơ mất phương tiện kiếm sống.  Theo UNESCO tính đến ngày 3 tháng 4 năm 2020, hơn 1,54 tỷ người học đã bị ảnh hưởng do đóng cửa trường học ở 188 quốc gia, chiếm gần 90% tổng số học viên trên thế giới.  Việc phong tỏa diện rộng dẫn đến đóng cửa nhiều trung tâm học tập cộng đồng (CLCs) và các chương trình học tập, giáo dục dành cho người lớn trong khu vực.

        Chúng tôi khẳng định rằng ngay cả trong tình huống khủng hoảng, quyền giáo dục phải được bảo vệ và việc học tập phải được duy trì, vì đây là một trong những chiến lược quan trọng nhất để ứng phó với cuộc khủng hoảng này và các cuộc khủng hoảng khác.  Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn cần được cập nhập thường xuyên các thông tin liên quan đến  virus và tác động của nó, đồng thời cần được hỗ trợ để họ - có thể đối phó và thích nghi một cách cá nhân hoặc mang tính tập thể với những tình huống biến đổi nhanh chóng trong khủng hoảng kèm theo các  hệ lụy sâu rộng.

      Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của UNESCO và Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp đào tạo từ xa bằng cách sử dụng công nghệ phù hợp với phương pháp học linh hoạt, bao gồm cả các chương trình học dựa vào cộng đồng và người dân.  Tuy nhiên ASPBAE lưu ý rằng phần lớn  học viên từ các gia đình nghèo   có hoàn cảnh khó khăn, không có kết nối internet và thiếu các thiết bị để truy cập và tiếp thu công nghệ. Tình trạng này có thể làm gia tăng hơn nữa  khoảng cách trong sử dụng kỹ thuật số và thúc đẩy  các tập đoàn nắm bắt công nghệ giáo dục . Hiện đang có cuộc tranh đua giữa các hãng công nghệ thông tin tư nhân trong việc thúc đẩy và tiếp thị các mô đun và nền tảng học tập kỹ thuật số của họ.  Chúng tôi cũng nhận thấy các dân tộc thiểu số, người khuyết tật,  học viên là người trưởng thành và các nhóm yếu thế khác, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ trong các nhóm kể trên, bị bỏ lại và chịu nhiều thiệt thòi hơn do không có tài liệu học tập phù hợp, rào cản ngôn ngữ  định kiến và sự phân biệt đối xử. Do đó chúng tôi kêu gọi Chính phủ, các đối tác phát triển và cộng đồng toàn cầu đảm bảo quyền truy cập miễn phí, được tiếp cận với các  công cụ thích hợp cho việc học từ xa dựa trên các chương trình học tập dựa vào cộng đồng,  đem lại nền giáo dục có chất lượng, phù hợp cho các  nhóm bị lề hóa và dễ bị tổn thương nhất.

       Cần nhiều giáo viên, giảng viên, cán bộ giáo dục, những người tiên phong đảm bảo duy trì việc học tập trong thời kỳ đại dịch Covid - 19. Sự an toàn, hạnh phúc, đảm bảo công việc, đào tạo và hỗ trợ cho họ cần được ưu tiên hàng đầu; họ cần được tạo điều kiện thông qua các phương thức bền vững và phù hợp để có thể tiếp cận tới tất cả học viên, thậm chí với những người khó tiếp cận nhất ví dụ như người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người có nhu cầu đặc biệt.

      Mất việc làm và không có thu nhập do bị phong tỏa, cách ly đã khiến vô số học viên nghèo không thể tham gia các hoạt động giáo dục và học tập.  Theo chương trình lương thực thế giới (WFP), việc đóng cửa trường học khiến cho 368 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được ăn trưa tại trường trong khi đây là nguồn dinh dưỡng hàng ngày của các em.  Gánh nặng lên vai người phụ nữ cũng gia tăng trong đại dịch khi họ vừa đảm đương công việc nội trợ, thêm trách nhiệm chăm lo sức khỏe, thậm chí cả việc dạy con  trong khi họ vừa là người lo bữa ăn và kế sinh nhai cho gia đình.  Các hoạt động an sinh xã hội đặt nguồn lực vào tay và do phụ nữ kiểm soát như hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ thực phẩm, và các biện pháp bảo vệ công việc sẽ là các yếu tố cần thiết để đảm bảo duy trì học tập.

          Chúng tôi quan ngại khi một số biện pháp độc đoán được thực thi khi ứng phó khẩn cấp với đại dịch ở nhiều quốc gia đã phá vỡ quy trình dân chủ và tính trách nhiệm giải trình. Tiếng nói của người dân và của đơn vị cơ sở cần phải được lắng nghe khi hình thành các biện pháp ứng phó trong khủng hoảng.  Chỉ khi đó các giải pháp bền vững, hiệu quả, phù hợp mới được tìm ra, những giải pháp đảm bảo không bỏ ai lại phía sau.  Chúng tôi kêu gọi các Chính phủ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền đã được thừa nhận và áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền trong khi  ứng phó với đại dịch.

          ASPBAE nhận thấy nhiều Chính phủ hiện nay đang sắp xếp lại ngân sách quốc gia để giải quyết tình trạng y tế khẩn cấp và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương.  Việc cắt giảm sâu và sắp xếp lại ngân sách có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ cho giáo dục. Ngân sách bổ sung dự kiến dành cho giai đoạn phục hồi của khủng hoảng y tế bao gồm các gói kích thích lớn để giải quyết thiệt hại kinh tế có thể làm cạn kiệt nguồn lực, đặc biệt với các nước nghèo đang phát triển và thu nhập thấp.  Chúng tôi kêu gọi các Chính phủ tăng cường các giải pháp chống đỡ, bảo vệ ngân sách  cho các lĩnh vực xã hội vì các quốc gia cần củng cố hệ thống y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội để có thể phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng này.  Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động nhiều nguồn lực cần thiết, thiết lập các biện pháp như xóa nợ để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình trong nỗ lực đầu tư vào con người thông qua giáo dục, một chiến lược cốt yếu để hồi phục và tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển toàn diện.

          ASPBAE đoàn kết với các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng toàn cầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.  Chúng tôi sẽ hợp tác với nỗ lực hướng tới đảm bảo tính liên tục cho giáo dục và học tập cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn thông qua quảng bá các thông tin trung thực, chống lại các thông tin sai lệch và giả mạo, giúp các nhóm cộng đồng ứng phó với khủng hoảng và hậu quả của nó, giám sát trách nhiệm của Chính phủ và sự hỗ trợ quốc tế để các quốc gia sau khủng hoảng lần này phát triển với nền giáo dục, y tế, dinh dưỡng và bảo trợ xã hội tốt hơn và  công bằng hơn cho tất cả mọi người.

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm