Xã hội hóa Giáo dục ở Việt Nam
Hội thảo Xã hội hóa Giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp đã được Hiệp hội vì Giáo dục cho Mọi người Việt Nam (VCEFA) phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức vào ngày 18/12/2012 tại Nhà khách Bộ Quốc Phòng, Hà Nội.
Đây là một trong những hoạt động chính của dự án Quan hệ Nhà nước và Tư nhân trong Giáo dục (tên tiếng Anh Public Private Partnership in Education – PPP) do VCEFA thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Xã hội Mở (OSF) và Hiệp hội Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Người lớn khu vực Nam Á Thái Bình Dương (ASPBAE).
Sự kiện này đã thu hút 74 đại biểu là các nhà giáo dục, các cán bộ quản lý giáo dục có uy tín và có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà, các tổ chức phi chính phủ là thành viên của VCEFA, đại diện một số tổ chức quốc tế và các phóng viên báo chí, Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam tham gia.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đánh giá những thành tựu đã đạt được và những yếu kém cần khắc phục trong công tác xã hội hóa giáo dục.
Theo các đại biểu, xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn mang tính chiến lược. Những năm qua, nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề tăng nhanh với 20% tổng chi ngân sách, trong đó chi cho giáo dục và đào tạo ở hầu hết các địa phương cũng được ưu tiên với tỉ lệ cao từ ngân sách địa phương và các nguồn thu huy động trong nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước. Các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đặc biệt là khối ngoài công lập có bước phát triển mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội.
Hội thảo cũng đã đặt ra nhiều vấn đề khác như việc lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để lạm thu các loại phí trong giáo dục, vấn nạn tham nhũng trong giáo dục, bất cập trong thực hiện chính sách ưu tiên thuế đối với các cơ sở làm giáo dục, vấn đề dạy thêm, học thêm và đầu tư chưa đúng mục đích ngân sách nhà nước dành cho giáo dục.
Vẫn còn nhiều vấn đề cần được tìm hiểu kỹ hơn để có thể đánh giá đúng các tác động của Xã hội hóa giáo dục, như vấn đề cải thiện và quản lý chất lượng giáo dục, tính tuân thủ pháp luật của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, hay khả năng tiếp cận giáo dục của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo và các đối tượng thiệt thòi khác trong xã hội. Hiện vẫn còn thiếu các nghiên cứu và các bằng chứng thực tế để có thể hiểu thấu đáo tác động của xã hội hóa giáo dục nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách hợp lý.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị hữu ích và thiết thực. Một trong những khuyến nghị được đưa ra là sự tham gia của đầy đủ 3 thành phần trong xã hội bao gồm chính phủ, khối doanh nghiệp và khối các tổ chức xã hội vào giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng, đây chính là nền tảng vững chắc của xã hội hóa. Theo bà Raquel Castillo, cố vấn chính sách của Hiệp hội Giáo dục cơ bản và giáo dục người lớn Khu vực Châu Á và Nam Thái Bình Dương, mối quan hệ đa đối tác trong giáo dục phải đảm bảo tính không vụ lợi. Mối quan hệ này không chỉ để giải quyết vấn đề tài chính và hiệu suất công việc mà còn phải đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội.
Các tài liệu liên quan đến hội thảo vui lòng tải dưới đây.