Tư nhân hoá giáo dục và Hợp tác công-tư trong giáo dục
BẢN TIN DIỄN ĐÀN MỞ:
Tư nhân hoá giáo dục và Hợp tác công-tư trong giáo dục ngày 29/10/2014
Ngày 29/10/2014, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn mở: Tư nhân hóa giáo dục và Hợp tác công-tư trong giáo dục tại Nhà khách Bộ Quốc Phòng, 33A Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.
Diễn đàn nằm trong loạt hoạt động tăng cường thông tin và năng lực cho các thành viên Hiệp hội giai đoạn 2013-2014. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng nhằm tạo ra một không gian thảo luận cởi mở để các thành viên, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về tư nhân hoá, hợp tác công-tư trong giáo dục và xã hội hóa giáo dục, cùng phân tích, làm rõ các khái niệm, kinh nghiệm và các mô hình thực tế tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Khái niệm và các cách phân loại liên quan đến tư nhân hoá và hợp tác công tư trong giáo dục và xã hội hoá giáo dục được trình bày bởi hai chuyên gia, Ông Rene Raya, chuyên gia phân tích chính sách ASPBAE (Hiệp hội giáo dục cơ bản và người lớn khu vực châu Á Thái Bình Dương và TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nhà hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục, nguyên trợ lý Bộ trưởng bộ GD-ĐT. Qua hai bài trình bày độc lập của hai chuyên gia, người nghe đã có được những khái niệm chung nhất quán, bổ trợ cho nhau và khá rõ ràng rằng: Hợp tác công tư trong giáo dục (ePPP) (ở Việt Nam đang dùng thuật ngữ Xã hội hoá giáo dục) chỉ sự thoả thuận hợp tác dựa trên mối quan hệ đối tác (partnership) bình đẳng, cùng chia sẻ trách nhiệm, chi phí, lợi ích và rủi ro giữa hai khu vực nhà nước và tư nhân. Theo đúng nghĩa của quan hệ đối tác, trong thoả thuận này không có điều khoản thiên vị một bên nào về quyền kiểm soát, với mục đích chính là cải thiện việc cung ứng và cấp tài chính cho các dịch vụ thiết yếu mà trọng tâm là nâng cao hiệu quả, chất lượng, công bằng và trách nhiệm giải trình trong giáo dục. Tư nhân hoá giáo dục nếu hiểu theo nghĩa là sự chuyển giao cố định sự kiểm soát của cơ quan nhà nước sang khu vực tư nhân thì ePPP không phải là tư nhân hóa giáo dục, không có quan hệ đối tác ở đây. Các chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm về mặt chính sách nhà nước về ePPP ở một số quốc gia trong khu vực (Ấn Độ, Sri-lan-ka, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Mông Cổ, Philippin, Campuchia, Indonesia) cho rằng hợp tác công tư trong giáo dục có vai trò quan trọng, khuyến khích các sáng kiến và là điểm mấu chốt cho hoạt động đổi mới giáo dục. Hiện cũng đang có nhiều mô hình hợp tác công-tư trong giáo dục đang được áp dụng và nhân rộng ở một số nước trong khu vực như: trường tư học phí thấp, chương trình Phiếu học phí, Hợp đồng dịch vụ giáo dục, chuỗi trường mang thương hiệu các tập đoàn, … nhưng các mô hình này cũng cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập như lớp học đông, trình độ giáo viên không đảm bảo, chất lượng dậy và học chưa tương xứng với chi phí, thiếu cơ chế giải trình minh bạch, đối xử không công bằng với giáo viên và người nghèo chưa tiếp cận được.
Bà Michaela A. Prokop, chuyên gia của UNDP tại Việt Nam cũng có phần trình bày về “Chi tiêu cho giáo dục, tính hiệu quả, công bằng và thách thức về quản lý nhà nước”. Bài trình bày chia sẻ một phần kết quả rà soát của UNDP về xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Bài trình bày chỉ ra cùng với tăng chi tiêu công, xã hội hóa được đẩy mạnh như một giải pháp để giảm gánh nặng tài chính trong khi vẫn mở rộng tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên bài trình bày cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy Việt Nam đã chi tiêu một nguồn lực đáng kể cho giáo dục, khoảng 8.6% GDP năm 2012. Tỷ trọng chi cho giáo dục trong ngân sách Quốc gia lên đến 17.9% năm 2012. Đây là mức chi cao so với các nước có thu nhập trung bình thấp khác. Tuy nhiên với mức chi tiêu lớn và các tồn tại trong giáo dục tạo ra mối quan ngại về tính hiệu quả của chi tiêu. Trên thực tế, phụ huynh vẫn còn phải trả nhiều khoản chi phí trong và ngoài nhà trường, bao gồm cả những khoản phí không chính thức và không hợp pháp (phí cơ sở vật chất, các khoản chi tiêu trang thiết bị của trường, quỹ lớp, quỹ trường, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục, ăn trưa, đưa đón, phí bảo hiểm, học thêm…). Ở Việt Nam hiện nay, xã hội hoá giáo dục trong bối cảnh đi kèm cấu trúc cơ hội đang nổi lên của nền kinh tế thị trường mang lại không ít thách thức về quản lý nhà nước.
TS. Lê Việt Thuỷ, Phó phòng Đào Tạo trường Đại Học Kinh Tế Quốc dân, một trong bốn trường đại học công lập được Bộ Giáo dục và đào tạo giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cũng có phần trình bày về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong việc đảm bảo chất lượng dạy và học cũng như những kiến nghị để thực hiện đề án một cách đồng bộ và thực sự có hiệu quả. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, cũng có phần chia sẻ về Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng, một mô hình giáo dục tư nhưng giải quyết vấn đề công. Đây là một mô hình giáo dục đặc biệt nhằm giúp đỡ những học sinh THPT Hà nội yếu kém về văn hoá và đạo đức (theo tiêu chuẩn của giáo dục Việt Nam) có thể học hết bậc THPT để học lên đại học, cao đẳng hoặc học nghề tự tìm việc làm. Nhà trường đã tiến hành thành công biện pháp giáo dục dạy học sinh biết tự học, tự rèn theo phương châm giáo dục “không có học sinh yếu kém mà chỉ có nhà trường chưa biết cách tác động, giáo dục để học sinh yếu kém nên người” và “nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì được nghe và nói mà chủ yếu phải do nỗ lực tự rèn luyện mà có”. Tuy được thành lập từ tháng 10/1989, ngôi trường ngoài công lập mười lăm năm tuổi này hiện chưa được hưởng một chính sách ưu đãi nào của nhà nước.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và đại diện các tổ chức xã hội dân sự tham gia diễn đàn cũng có những phần chia sẻ, thảo luận cởi mở, thẳng thắn tại diễn đàn xung quanh xu thế tư nhân hoá giáo dục và vấn đề hợp tác công tư trong giáo dục. Diễn đàn cho thấy bên cạnh những mặt được cũng có nhiều bài học được rút ra từ những tồn tại của các mô hình hợp tác công tư trong giáo dục hiện nay. Các bài học kinh nghiệm này cần được xem xét cẩn thận khi tiếp tục thực hiện xã hội hoá giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là tôn trọng và thực thi quyền giáo dục cho mọi người dân.
Với sự tham dự của khoảng 60 đại biểu gồm có 33 đại diện các tổ chức thành viên Hiệp hội, 17 chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện một số trường công lập và tư thục, đại diện Bộ Giáo dục – Đào tạo, Ban Tuyên Giáo Trung Ương, đại diện tổ chức Quốc tế và báo chí, Diễn đàn thực sự đã tạo ra một không gian thảo luận cởi mở thẳng thắn cho các đại biểu tham dự cùng tranh luận và trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm về hợp tác công-tư, tư nhân hoá trong giáo dục và xã hội hoá giáo dụcvà giúp Hiệp hội Vì Giáo Dục Cho Mọi Người Việt Nam định hướng các hoạt động liên quan đến vấn đề tài chính giáo dục trong thời gian tới.