Khóa tập huấn "Theo dõi ngân sách Giáo dục"
Khóa tập huấn về “Theo dõi ngân sách giáo dục” diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2013, tại Khu phòng họp Nhà Khách Bộ Quốc Phòng, 33A Phạm Ngũ Lão, Hà Nội với sự tham gia của 25 học viên đến từ 22 đơn vị thành viên Hiệp hội.
Giảng viên chính cho khóa học là Chị Helen Dabu và Anh Rene Raya đến từ Hiệp hội Giáo dục cơ bản và giáo dục người lớn khu vực Châu Á và Nam Thái Bình Dương (ASPBAE).
Khóa học cung cấp cho các học viên các khái niệm theo dõi ngân sách, hệ thống ngân sách nói chung, tiến trình ngân sách và tập trung vào ngân sách giáo dục. Giảng viên cũng đưa ra danh mục thông tin cần thiết khi tìm hiểu và vận động ngân sách giáo dụckèm theo những hình ảnh, kinh nghiệm minh họa cụ thể tại các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, thông qua bài tập tình huống phân tích giáo dục cho địa phương, các học viên có cơ hội thực hành và hiểu rõ hơn về các bước phân tích ngân sách giáo dục. Các học viên cũng chia sẻ cởi mở và thẳng thắn những kinh nghiệmvề sự tham gia của các Tổ chức Xã hội Dân sự trong công việc ngân sách cho giáo dục tại Việt Nam, những khó khăn đang gặp phảivà lậpkế hoạch ngân sách cho thời gian tới làm cơ sở để vận động chính sách.
Vớí bài giảng dễ hiểu và có tính thực tiễn cao của hai Giảng viên đến từ ASPBAE, một tổ chức đã có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các Liên minh giáo dục cho mọi người ở các nước trong lĩnh vực ngân sách giáo dục, cùng với sự tham gia tích cực của các học viên, Hiệp Hội Vì Giáo Dục Cho Mọi Người Việt Nam (VCEFA) phối hợp với ASPBAE đã tổ chức thành công khóa tập huấn.
Trong hai ngày 19 và 20/12/2013 tại Hà Nội, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VCEFA) phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam (VAPE) tổ chức hội thảo “Trao đổi một số chủ trương và biện pháp góp phần thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”với sự tài trợ của tổ chức Chiến dịch giáo dục toàn cầu (Global Compaign for Education- GCE).
Tham dự hội thảo có hơn 40 nhà khoa học đầu ngành về giáo dục đào tạo, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục ở Trung ương và địa phương.Nhiều đại biểu đã viết báo cáo tham luận gửi tới Ban tổ chức trước hội thảo.
Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về 4 nhóm vấn đề: (1) Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, phân luồng và phân ban ở THPT; (2) Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, đánh giá thi cử, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, vấn đề liên kết, liên thông trong đào tạo; (3) Đổi mới hệ thống sư phạm, trường quản lý giáo dục, đào tạo lại giáo viên, cán bộ quản lý, chế độ chính sách đối với giáo viên và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm; (4) Xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực đáp ứng điều kiện dạy và học trong đổi mới.
Trong 2 ngày làm việc sôi nổi và tích cực các đại biểu tham dự Hội thảo đã bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với 7 quan điểm chỉ đạo, 6 mục tiêu cần đạt được của các ngành học, bậc học và 9 giải pháp cơ bản nhằm khắc phục những tồn tại, kế thừa và phát huy những thành tựu về giáo dục trong thời gian qua đã nêu trong Nghị quyết số 29/NQ-TW.
Tuy nhiên để thực hiện thắng lợi nghị quyết cần phải có những chủ trương, biện pháp, đề án cụ thể cho từng vấn đề. Các đại biểu dự hội thảo đã trao đổi và thống nhất đề xuất một số chủ trương, biện pháp về các nhóm vấn đề nêu trên. Những đề xuất này đã được Ban Tổ chức Hội thảo trình bày tại buổi tổng kết hội thảo với sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạochiều ngày 20/12/2013 và được gửi tới Ban bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương,Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Quốc hội và với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tháng 12/2013để nghiên cứu vận dụng vào việc đề ra các chủ trương biện pháp thực hiện nghị quyết số 29/NQ-TW của BCHTW Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.