Bản góp ý Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

 

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM

 

Số:  12/ CV-VAEFA

Vv: Góp ý Dự thảo Chương trình giáo dục

phổ thông tổng thể

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨAVIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------------------------

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2017

 

BẢN GÓP Ý

DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ

 

Kính gửi         : Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây xin gọi tắt là Chương trình GDPT tổng thể), ngày 16/5/2017 Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (Vietnam Association For Education For All – VAEFA) đã tổ chức buổi tham vấn nhằm tập hợp các ý kiến đóng góp cho Chương trình GDPT tổng thể (danh sách người tham dự gửi kèm theo Bản góp ý này).

Xin trân trọng gửi tới Bộ Trưởng và Ban soạn thảo Chương trình GDPT tổng thể mười hai (12) kiến nghị tổng hợp như sau:

1.      

Bổ sung căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 vào lời nói đầu

2.      

Bổ sung lộ trình thực hiện

3.      

Bổ sung phân tích bối cảnh và xu thế làm căn cứ định hướng mục tiêu GDPT

4.      

Chỉ rõ chuẩn đầu ra mà chương trình hướng tới trong Mục tiêu chương trình

5.      

Điều chỉnh một số phẩm chất và năng lực học sinh

6.      

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên được hiểu là phương pháp “học qua trải nghiệm” thay vì coi là một môn học riêng biệt và trao quyền chủ động bố trí hoạt động này trong từng môn và liên môn cho nhà trường.

7.      

Bổ sung thời lượng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho người dân tộc thiểu số và người điếc

8.      

Quá trình hướng nghiệp cần được tiến hành sớm hơn và cân nhắc lại vị trí của lớp 10

9.      

Làm rõ mục tiêu đánh giá là nhằm khuyến khích, cải thiện học tập, không ngừng nâng cao chất lượng học tập. Cần làm rõ hơn việc kết hợp ba phương pháp đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực để định hướng tổ chức thực hiện

10.             

Làm rõ bản chất của xã hội hóa giáo dục không chỉ là huy động tài chính nhằm ngăn ngừa lạm thu và xu thế thương mại hóa giáo dục

11.             

Bổ sung “Cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra”

12.             

Cần cải tiến cách thức lấy ý kiến cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

 

Sau đây là lý giải chi tiết hơn cho mười hai (12) kiến nghị nêu trên:

  1. Bổ sung căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ vào lời nói đầu.

 

  1. Bổ sung lộ trình thực hiện vào Dự thảo

Hiện dự thảo Chương trình GDPT tổng thể không đưa ra lộ trình thực hiện gây nhiều băn khoăn cho phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo, các cấp quản lý giáo dục và cộng đồng. Tuy nhiên theo chúng tôi được biết Ban soạn thảo đã xây dựng lộ trình thực hiện Chương trình GDPT tổng thể.

  1. Bổ sung phần phân tích bối cảnh và xu hướng phát triển trong nước và khu vực để làm căn cứ đưa ra định hướng mục tiêu của giáo dục phổ thông

Trong phần này có thể phân tích những thay đổi về mặt kinh tế, chính trị xã hội, công nghệ (lưy ý cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà GDPT của chúng ta không thể đứng ngoài) và Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4) về giáo dục đến năm 2030 được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua tháng 9/2015– “Đảm bảo một nền giáo dục chất lượng, bình đẳng, hòa nhập và học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. Đặc biệt trong thời đại mà những thay đổi về Công nghệ thông tin, truyền thông nhanh đột biến như hiện nay sẽ mang lại những thách thức hay cơ hội gì cho giáo dục của Việt Nam. Cần chỉ rõ những kết quả đã đạt được và những mặt còn thiếu/yếu hiện nay của giáo dục Việt Nam, từ đó xác định tầm nhìn, mục tiêu của GDPT là tới mốc nào (ví dụ tới 2030) tạo ra những con người như thế nào (đây chính là kết quả đầu ra của giáo dục phổ thông).

  1. Cần chỉ rõ chuẩn đầu ra mà chương trình hướng tới trong Mục tiêu của chương trình

Với việc chuyển sang xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực thì mục tiêu của chương trình phải được thể hiện bằng cách chỉ ra những chuẩn đầu ra (learning outcomes) mà chương trình hướng tới. Nghĩa là phải chỉ ra những cái mà người học biết, hiểu và có thể thực hiện khi kết thúc chương trình GDPT.  Ví dụ Singapore đặt ra kết quả mong muốn/chuẩn đầu ra của giáo dục đối với mỗi học sinh Singapore bao gồm: (1) là người tự tin, (2) là người học tự định hướng, (3) là một công dân có trách nhiệm, và (4) là một người đóng góp tích cực.

  1. Cần điều chỉnh những quy định về phẩm chất và năng lực học sinh cho dễ hiểu, dễ nhớ

Sáu (6) phẩm chất và mười (10) năng lực cốt lõi đưa ra trong mục III đã khá phù hợp nhưng có thể chưa đủ khái quát, chưa rõ nghĩa và còn khó nhớ. 

Chúng tôi xin đề xuất các phẩm chất và năng lực căn bản và quan trọng nhất như sau:

  • Các phẩm chất: Hiếu thảo, hiếu học, mạnh khỏe và thành đạt trong cuộc sống
  • Các năng lực: tự học, tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm

Hiếu thảo bao hàm cả yêu đất nước, yêu những người thân và mọi người xung quanh.

Hiếu học nghĩa là thích được học, tự định hướng việc tự học và tính sáng tạo trong học tập.

Mạnh khỏe bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Mục tiêu về sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến định hướng và nội dung giáo dục liên quan.  Ví dụ kiến thức về sức khỏe không thể chỉ nằm trong hoạt động thể chất/ thể thao như hiện nay. Sức khỏe tinh thần sẽ có được thông qua cả việc hưởng thụ âm nhạc, hội họa và mỹ thuật. 

Thành đạt không thể hiện qua những tấm bằng hay tiền bạc mà chính là có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, có việc làm phù hợp với khả năng, tôn trọng pháp luật và có đóng góp cho xã hội.

Phẩm chất và năng lực không tách rời mà nằm trong mối quan hệ với nhau.  Làm thế nào biến các phẩm chất và năng lực thành hiện thực? Điều này phải được làm rõ trước hết trong định hướng về nội dung giáo dục. Định hướng về nội dung giáo dục của từng môn học hoặc lĩnh vực giáo dục vẫn đang nói rất chung là “góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh”. Đành rằng các phẩm chất và năng lực chung có liên quan đến mọi môn học và lĩnh vực giáo dục nhưng mỗi phẩm chất, mỗi năng lực chung có biểu hiện đậm nhạt khác nhau trong từng môn học và lĩnh vực giáo dục. Đây là vấn đề mà Dự thảo cần tiếp tục làm rõ. Có như vậy mới định hướng được về chuẩn đầu ra cho việc xây dựng các chương trình môn học.

  1. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên được hiểu là phương pháp “học qua trải nghiệm”và cần được đưa vào như một phần của hoạt động giáo dục môn học chứ không nên đưa vào như một môn học riêng biệt.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điểm mới tiến bộ đáng ghi nhận tại dự thảo chương trình lần này. Tuy nhiên, trong Dự thảo hiện nay hoạt động trải nghiệm sáng tạo có vị trí, vai trò như một môn học, một hoạt động riêng biệt. Cách tiếp cận này sẽ đặt ra một loạt vấn đề rắc rối như giáo viên phụ trách môn học này và liệu các trường sư phạm có phải xây dựng chương trình đào tạo các giáo viên chuyên về môn này không. Cách tiếp cận này cũng có thể đưa đến tình trạng tổ chức môn học này một cách hình thức như đã diễn ra, không mang lại những trải nghiệm cần thiết và phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.  Mục đích khi đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào là để chuyển hóa kiến thức, kỹ năng, thái độ thành năng lực. Vì vậy nó không phải là hoạt động riêng biệt mà là hoạt động gắn liền với từng môn học hoặc liên môn. Học sinh sẽ được trải nghiệm về mặt cảm xúc, thể chất, xã hội… và tự phân tích rút ra bài học cho mình. Hoạt động này do các giáo viên bộ môn thực hiện ngay trong tiến trình lên lớp hoặc phối kết hợp với các giáo viên bộ môn khác tổ chức thực hiện nhằm hướng tới việc xây dựng các năng lực chung (có thể tham khảo trang web http://study.com về việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong bài giảng của giáo viên).

Do đó chúng tôi kiến nghị dự thảo chương trình GDPT tổng thể cần làm rõ đây không phải là một môn học tách rời mà phải được tích hợp trong từng môn học và tổ chức phối hợp liên môn (như qua bài tập theo chủ đề hay đề tài).  Việc quy định thời lượng khung hiện nay cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hợp lý và cần thiết, nhưng bên cạnh đó chương trình cũng nên quy định dành sự chủ động cho Nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng, lên kế hoạch thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học và liên môn vì khi đó hoạt động này sẽ được thiết kế phù hợp với nhu cầu đa dạng và khả năng đáp ứng của từng địa phương, và sẽ thúc đẩy khả năng chủ động, sáng tạo của mỗi nhà trường trong kết nối với các cơ sở sẵn có tại địa phương (Bảo tàng, cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, Vườn quốc gia, …) và với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội hay các doanh nghiệp có thể hỗ trợ hoạt động này để đem lại những trải nghiệm bổ ích và khơi gợi các sáng tạo từ học sinh.

  1. Bổ sung thời lượng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho người dân tộc thiểu số và Ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc

Thời lượng dự kiến dành cho nội dung giáo dục của địa phương cùng với môn tiếng dân tộc thiểu số chỉ khoảng 5% tổng thời lượng chương trình. Như vậy là quá ít. Ngoài tiếng dân tộc, dự thảo chưa đề cập đến ngôn ngữ đặc thù của các đối tượng người khuyết tật như Ngôn ngữ ký hiệu của người điếc, chữ Braille của người mù, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận chương trình giáo dục một cách bình đẳng. 

Riêng với người điếc cần được học theo phương pháp song ngữ (Ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt). Cần phải công nhận Ngôn ngữ ký hiệu là tiếng mẹ đẻ của người điếc. Vì vậy thời lượng học ngôn ngữ ký hiệu cần phải đảm bảo trang bị đủ khái niệm, kiến thức cơ bản để học sinh điếc theo kịp chương trình chung với các học sinh khác.

  1. Quá trình hướng nghiệp cần được tiến hành sớm hơn và cân nhắc lại vị trí của lớp 10

Theo Dự thảo hiện nay, lớp 10 là lớp định hướng nghề nghiệp. Nói cho đúng thì việc định hướng này là một quá trình đã được tiến hành suốt các bậc học từ tiểu học đến THCS và THPT. Đến lớp 10 mới hướng nghiệp sẽ là muộn.

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, chương trình giáo dục cơ bản cần 10 năm. Vì vậy chúng tôi đề nghị nếu có thể nên bố trí lại khung giáo dục Phổ thông là 5+5+2 (Tiểu học: 5 năm, THCS: 5 năm, THPT: 2 năm) thay cho khung 5+4+3 hiện nay. Như vậy Bậc THCS có thêm thời gian để hoàn thành kiến thức phổ thông cơ bản cho người học. Bậc THPT sẽ thực hiện nhiệm vụ phân luồng cho người học triệt để hơn.

  1. Làm rõ mục tiêu đánh giá là nhằm khuyến khích, cải thiện học tập, không ngừng nâng cao chất lượng học tập. Cần làm rõ hơn việc kết hợp ba phương pháp đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực để định hướng cho người viết sách giáo khoa, nhà trường và giáo viên trong tổ chức thực hiện:

Theo Dự thảo thì cái cần đánh giá là kết quả giáo dục. Quan điểm này phù hợp với giáo dục theo tiếp cận nội dung. Phương pháp đánh giá giáo dục ngày nay đã có bước chuyển căn bản theo tiếp cận năng lực. Khi chuyển sang giáo dục theo tiếp cận năng lực thì cái chủ yếu cần đánh giá là quá trình giáo dục. Vì vậy mà trong đánh giá ngày nay mới có đánh giá theo quá trình (assessment for learning), tự đánh giá (assessment as learning) và đánh giá kết quả (assessment of learning).

Vì vậy, tiểu mục VI.2 này cần làm rõ hơn về việc kết hợp ba phương pháp đánh giá để định hướng cho cả người viết sách giáo khoa lẫn nhà trường và nhà giáo trong tổ chức thực hiện.

  1. Cần làm rõ bản chất của xã hội hóa giáo dục là huy động các thành phần trong xã hội tham gia cùng nhà nước không chỉ về mặt tài chính mà cả trong quản trị và hoạt động giáo dục để tránh tình trạng lạm dụng hay hiểu sai đang diễn ra rất phổ biến hiện nay là xã hội hóa nghĩa là huy động tài chính là chủ yếu. Thúc đẩy XHH phải song hành với chống xu thế thương mại hóa, tư nhân hóa và trục lợi trong giáo dục

Sự thiếu rõ ràng về bản chất Xã hội hóa giáo dục dẫn đến tình trạng hiểu nhầm khá phổ biến rằng xã hội hóa thuần túy là huy động tài chính từ khối doanh nghiệp hay việc lạm dụng xã hội hóa để lạm thu các khoản phí không chính thức từ phụ huynh mà xã hội đang lên án gay gắt. Dự thảo cần làm rõ xã hội hóa giáo dục là việc huy động các thành phần trong xã hội tham gia cả về nhân lực, trí lực, tài lực và vật lực cùng với nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Giáo dục là một loại hàng hóa công, nên việc thúc đẩy XHH phải song hành với chống xu thế thương mại hóa, tư nhân hóa, xu thế trục lợi trong giáo dục để phòng ngừa sự gia tăng bất bình đẳng, nguyên nhân sâu xa của các bất ổn xã hội.

 

  1. Bổ sung “Cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra” trong điều kiện thực hiện chương trình GDPT tổng thể

Trong 4 nhóm điều kiện đã nêu, để đảm bảo sự thành công của Chương trình GDPT tổng thể cần hết sức chú ý đến việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy cũng như điều chỉnh kế hoạch và chương trình đào tạo cho sinh viên các trường sư phạm vì đây là nhân tố quyết định cho sự thành công của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam. Ngoài ra cần bổ sung một điều kiện quan trọng nữa, đó là xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra. Hiện nay, chúng ta thiếu một cơ chế như vậy. Vì thế, một mặt không ngăn chặn được bệnh thành tích, mặt khác không có bằng chứng tin cậy để đánh giá việc thực hiện chương trình, làm cơ sở cho việc không ngừng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình GDPT (phù hợp với quan điểm hiện đại chương trình mở và phát triển hiện nay trên thế giới).

  1. Cần cải tiến cách thức lấy ý kiến cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Cần tổ chức nhiều hội thảo kỹ thuật cấp Sở, Phòng, Trường với sự tham gia của đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục và của mọi người trong xã hội song song với việc mở chuyên mục lấy ý kiến qua mạng thông tin và báo điện tử của ngành giáo dục. Có như vậy mới đảm bảo tính giải trình và sự tham gia của mọi người trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của con em chúng ta.

 

Một số ý kiến khác:

  • Hiện nay các chương trình GDPT trên thế giới thường rất coi trọng các môn STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và có bổ sung một số môn học mới như môn Khoa học về trái đất và môi trường, môn Tài chính. Đây là hai môn học mới cần xem xét để đưa vào chương trình GDPT, đặc biệt ở giáo dục THCS và THPT (ở lớp 10, trong Dự thảo có đưa vào một môn học bắt buộc là giáo dục kinh tế và pháp luật, nhưng không thể hiện rõ ở mục V khi nói về định hướng nội dung giáo dục các môn học).
  • Bậc giáo dục mầm non là nền tảng vô cùng quan trọng đối với giáo dục đào tạo. Chương trình GDPT tổng thể cần kế thừa những kết quả đã đạt được ở bậc giáo dục mầm non (Ví dụ: tính trung thực, tính tiết kiệm, ý thức tôn trọng pháp luật… đã được giảng dạy khá tốt ở bậc học giáo dục mầm non).

 

Nơi nhận:

-          Như kính gửi

-          Ban Soạn thảo CTGDPT tổng thể

-          Các thành viên VAEFA

-          Lưu VP

 

 

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC

CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM (VAEFA)

 

 

 

Nguyễn Xuân Phương

Phó Chủ tịch

 

 

DANH SÁCH ĐẠI BIỂU THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ

 

STT

Họ tên

Chức danh

1

GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng

Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học-Giáo dục-Môi trường của UBTW MTTQVN

2

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

3

TS. NGƯT. Nguyễn Tùng Lâm

Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội

Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng

4

PGS. TS. NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh

Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD)

5

ThS. Tô Kim Liên

Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED)

6

Hà Thị Tuyết Nhung

Quản lý chương trình giáo dục, Tổ chức quốc tế ChildFund

7

PGS. TS. Trần Đức Tuấn

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục vì sự phát triển bền vững

Viện trưởng Viện nghiên cứu sách và Học liệu giáo dục

8

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA)

9

Nguyễn Xuân Phương

Nguyên Trưởng ban điều phối QG GDCMN, Bộ GD-ĐT

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA)

10

Nguyễn Thị KimAnh

Điều phối viên Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA)

11

Nguyễn Thị Thanh Hằng

Cán bộ chương trình và tài chính Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA)

 

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm