Hội thảo tham vấn góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ngày 3/10/2018
Sáng ngày 3/10/2018, Hiệp hội Vì Giáo dục cho Mọi người Việt Nam (VAEFA) đã tổ chức Hội thảo " Tham vấn, góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi".
Ý kiến tham luận từ khách mời - Bà Đinh Việt Anh, Phó chủ tịch Hội người Mù Việt Nam
Tham dự Hội thảo gồm 30 đại biểu đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, các tổ chức thành viên của VAEFA, một số tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia giáo dục. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia của bà Helen Dabu, Phó Điều phối Hiệp hội Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Người lớn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ASPBAE). Các đại biểu đã thảo luận cởi mở và kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoạt động của VAEFA và các thành viên của mình như: Tiếp cận giáo dục cho các nhóm yếu thế, giáo dục sớm trong giai đoạn 0 đến 3 tuổi, chuyển cụm từ "Giáo dục thường xuyên" thành "Giáo dục cho mọi người" và tài chính cho giáo dục.
Các khuyến nghị đến từ các đại biểu tham dự, đặc biệt là các đại biểu thuộc nhóm yếu thế như nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), người khiếm thị, người điếc,... sẽ được tập hợp để gửi Bộ giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trước ngày 15/10/2018.
Khái niệm “bình đẳng giới” ngoài bình đẳng về nam nữ, các giới tính khác (nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) cũng cần được quan tâm
- đây là trọng tâm trong tham luận của bạn Trần Quang Thọ, đại diện nhóm Tư vấn thanh niên.
"Ngôn ngữ ký hiệu cần được đưa vào giảng dạy tại tất cả các cấp học dành cho người Điếc để họ được tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ nhất"
- Phát biểu của ông Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng ban vận động thành lập Hội người Điếc Việt Nam.
Bà Helen Dabu, Phó Điều phối Hiệp hội Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Người lớn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ASPBAE) đánh giá cao các ý kiến tâm huyết
của các đại biểu trong Hội thảo và nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức phi chính phủ trong việc vận động chính sách cho giáo dục.
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững về giáo dục (SDG4), đảm bảo nền giáo dục công bằng, chất lượng để “không ai bị bỏ lại phía sau”.