Covid 19 - và việc các trường họp phải đóng cửa - các quốc gia có thể học được gì từ những trường hợp khẩn cấp trong quá khứ

 

 

Khi đại dịch COVID – 19 đang lan rộng trên khắp thế giới, các hệ thống trường học phải đóng cửa. Đến nay, cộng đồng giáo dục chủ yếu tập trung vào các chiến lược khác nhau để tiếp tục việc học, bao gồm các thảo luận sôi nổi về vai trò của công nghệ giáo dục so với việc phân phát các tài liệu in. Nhưng có tương đối ít các cuộc thảo luận về việc làm cách nào để tận dụng được các tri thức và thực tiễn đã được đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhân đạo và phát triển.

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã có vinh dự được hỗ trợ để đúc kết các hành động và phương pháp tiếp cận khác nhau của các giáo viên và các nhà lãnh đạo các chương trình dự án thành các lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực giáo dục trong các trường hợp khẩn cấp (education in emergencies). Ngày nay, mặc dù thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng như hiện nay, lĩnh vực giáo dục trong các trường hợp khẩn cấp có rất nhiều thông tin và kinh nghiệm quý giá để chia sẻ với hệ thống các trường học trên toàn cầu.

PHẠM VI ĐÓNG CỬA TRƯỜNG HỌC LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19 LÀ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ:

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đang theo dõi tác động của đại dịch đối với nền giáo dục. Tính đến ngày 30/3, ước tính rằng 87% học sinh trên toàn thế giới, tức 1,5 tỷ người, đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học. Phần lớn những học sinh này đang theo học tại các trường tiểu học và trung học, nhưng cũng có hàng triệu học sinh bị ảnh hưởng ở các cấp giáo dục tiền tiểu học và đại học, cao đẳng. Hơn 180 quốc gia đã đóng cửa trường học trên toàn quốc, trong khi các quốc gia khác thực hiện đóng cửa trường học cấp địa phương. Ở Hoa Kỳ, trong khi việc phong tỏa toàn quốc chưa xảy ra, 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ Hoa Kỳ đã đóng cửa trường học.

Thông điệp sức khỏe cộng đồng chống COVID – 19 và đào tạo y tế công cộng cần được triển khai đồng bộ ngay lập tức thông qua các hoạt động giáo dục:

Trong những thập kỷ gần đây, khủng hoảng chủ yếu là do thiên tai, xung đột vũ trang hoặc đôi khi là dịch bệnh đã làm gián đoạn giáo dục ở từng quốc gia hoặc khu vực. Ví dụ, trận lụt năm 2010 ở Pakistan đã cuốn trôi nhà cửa và mùa màng ở 1/5 đất nước, ảnh hưởng đến 20 triệu người, trong đó có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên. Các trường học trong khu vực bị ảnh hưởng đã phải đóng cửa và chuyển đổi thành nơi trú ẩn tạm thời cho cộng đồng. Tại Trung Đông trong vòng 10 năm qua, ít nhất 2,8 triệu trẻ em Syria đã nghỉ học một thời gian và 5 triệu trẻ em đã phải nghỉ học khi dịch bệnh Ebola lan rộng khắp Tây Phi hồi năm 2013.

Nhưng thậm chí so với việc đóng cửa trường học trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, như trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, 40 thành phố của Hoa Kỳ đóng cửa trường học, và Thế chiến thứ II, ở Anh, một triệu trẻ em đã phải nghỉ học, mức độ gián đoạn giáo dục hiện nay còn lớn hơn rất nhiều. Điều này một phần là do trong vòng 50 năm trở lại đây, trường học đã trở thành một đặc trưng gắn với tuổi thơ, không chỉ giáo dục mà còn là chương trình quốc gia chăm sóc trẻ em lớn nhất ở hầu hết các nước trên thế giới. Ngày nay, 90% thiếu niên trên thế giới đang theo học tại các trường tiểu học so với 40% vào năm 1920.

GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP LÀ GÌ?

Mặc dù tình hình hiện nay là chưa từng có tiền lệ, song đã có các kiến thức hữu ích về học tập trong các cuộc khủng hoảng kéo dài. Trong 20 năm qua, “giáo dục trong các trường hợp khẩn cấp” đã kết hợp lại thành một lĩnh vực được nghiên cứu và thực hành bởi các học viên và học giả làm viện trợ nhân đạo và phát triển toàn cầu. Trong khoảng thời gian này, các tiêu chuẩn thực tiễn đã được phát triển, bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật, các chương trình nghiên cứu mới, các khóa học đại học, một quỹ toàn cầu cho giáo dục trong trường hợp khẩn cấp và các tạp chí học thuật.

Giáo dục trong trường hợp khẩn cấp đề cập rộng rãi đến việc đảm bảo cho những người bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp và khủng hoảng, bất kể loại hình hay nguồn gốc khủng hoảng, có thể tiếp cận giáo dục an toàn, phù hợp và chất lượng. Điều này bao gồm tập trung vào chu trình phòng ngừa và công tác chuẩn bị để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, cũng như đáp ứng và phục hồi từ các trường hợp khẩn cấp.

Trọng tâm của lĩnh vực này là một tập hợp các tiêu chuẩn toàn cầu được phát triển vào năm 2004 bởi Liên minh các tổ chức giáo dục trong trường hợp khẩn cấp (INEE). Các tiêu chuẩn INEE tối thiểu được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa bí quyết học tập và bằng chứng khoa học, thường được sử dụng để ứng phó với khủng hoảng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, dân số tị nạn và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.

Mặc dù có những khác biệt với đại dịch COVID-19 hiện nay, cộng đồng giáo dục trong trường hợp khẩn cấp vẫn có thể cung cấp những bài học, kinh nghiệm và thực hành trong hầu hết mọi trường hợp giáo dục bị gián đoạn trong một khoảng thời gian dài. Nổi bật là bốn bài học dưới đây.

  1. Huy động mạng lưới giáo dục để phổ biến các thông điệp sức khỏe cộng đồng mang tính sống còn:

Trong giai đoạn đầu của tình trạng khẩn cấp, điều quan trọng là phải nhanh chóng khởi động lại các hoạt động giáo dục bằng cách tập hợp trẻ em và thanh thiếu niên mỗi ngày vì nhiều lý do, bao gồm để phổ biến các thông điệp an toàn sức khỏe thiết yếu.

Những hoạt động giáo dục sớm này khác nhau trong mỗi hoàn cảnh. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Darfur ở Sudan, trẻ em được một tình nguyện viên trưởng thành dẫn dắt, thường xuyên tập hợp dưới một gốc cây hoặc trong một cái lều để hát những bài hát, chơi trò chơi và học cách giữ an toàn trong môi trường mới. Để giảm thiểu nguy cơ cao mắc bệnh tả, mọi người trong cộng đồng phải tìm hiểu nơi có nguồn nước an toàn, nơi nên đi vệ sinh và làm thế nào để rửa tay đúng cách. Trẻ em thường xuyên thực hành những hành động này và trở thành đại sứ cho gia đình.

Ngày nay, nhiều quốc gia đã đóng cửa trường học đang chuyển sang một số hình thức học tập từ xa, bằng các tài liệu in, chương trình phát thanh hoặc học trực tuyến, với một liên minh toàn cầu hình thành để giúp đỡ hướng dẫn và hỗ trợ. Thông điệp sức khỏe cộng đồng chống COVID – 19 và đào tạo y tế công cộng cần được triển khai đồng bộ ngay lập tức thông qua các hoạt động giáo dục. Đáng ngạc nhiên, điều này bị thiếu nhiều trong phản ứng giáo dục cho cuộc khủng hoảng này. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cung cấp một loạt các hướng dẫn về cách khử trùng trường học, cách đánh giá khi nào thì trường học đóng cửa, phải làm gì khi một thành viên của trường nhiễm COVID – 19, và thậm chí làm thế nào để tiếp tục giảng dạy thông qua học từ xa. Nhưng họ lại không cung cấp các tài liệu giáo dục làm thế nào các trường có thể chủ động tham gia vào các chiến dịch y tế công cộng quốc gia chống COVID – 19.

Điều này đòi hỏi vai trò lãnh đạo từ cộng đồng y tế công cộng và không nên để các giáo viên hoặc trường học chịu trách nhiệm trong việc phát triển các thông điệp hay tài liệu về sức khỏe. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, cộng đồng y tế công cộng nên hợp tác ngay lập tức với các trường học trên khắp cả nước để phát triển và phổ cập các tài liệu giảng dạy và học tập phù hợp với lứa tuổi về các chủ đề như rửa tay, giữ khoảng cách an toàn với những người khác và ho vào khuỷu tay. Những thông điệp này cần được phổ biến thường xuyên và cập nhật cho các mạng lưới giáo dục khi cần. Trường học từ lâu đã là phương tiện tuyên truyền thông tin y tế công cộng, như trong chiến dịch ngừng hút thuốc lá ở Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng này, có khả năng các thông điệp về sức khỏe cộng đồng sẽ được đưa từ sách giáo khoa lên bàn ăn tối, vì phụ huynh gần gũi hơn nhiều với việc học của trẻ em.

  1. Lên kế hoạch cho việc đóng cửa trường học trong hàng tháng, chứ không chỉ theo tuần:

Nếu có một điều mà tôi đã học được từ công việc của mình trong lĩnh vực giáo dục trong trường hợp khẩn cấp, thì đó là việc trở lại với thói quen học tập luôn mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Ngày nay, các trường học ở nhiều quốc gia đã đóng cửa trong nhiều tuần, với các thời hạn được kéo dài thường xuyên. Ở Hoa Kỳ, chỉ một số tiểu bang như Virginia và Kansas đã tuyên bố họ sẽ không bắt đầu lại trong năm học này. Việc đóng cửa các trường học rất có khả năng sẽ kéo dài hàng tháng chứ không phải vài tuần, và cộng đồng giáo dục có thể nhận thức điều này và chuẩn bị kịch bản ứng phó lâu dài càng sớm càng tốt.

Khi lãnh đạo, các nhà quản lý và các nhà giáo dục lên kế hoạch cho các hoạt động học từ xa, họ cần tìm cách để phương án ứng phó khẩn cấp có thể làm nền tảng để đạt được các mục tiêu dài hạn.

Dịch Ebola đã đóng cửa các trường học khắp Liberia, Sierra Leone và Guinea, về mặt giáo dục, là một phép so sánh hữu ích với cuộc khủng hoảng hiện nay. Trên toàn Tây Phi, các trường học bị đóng cửa không phải vì chúng bị phá hủy do thảm họa hay chiến tranh mà là để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola. Gia đình và trẻ em không bị di dời khỏi cộng đồng mà chỉ bị hạn chế tại nhà, cách ly xã hội và thay đổi hành vi khi cần thiết.

Trong trường hợp dịch Ebola, các trường học đã bị đóng cửa từ năm đến tám tháng. Để giảng dạy trở lại, các trường học được khử trùng một cách có hệ thống một khi dịch bệnh được kiểm soát. Điều này đặc biệt quan trọng vì nhiều trường đã được sử dụng làm trung tâm cho các bệnh nhân mắc bệnh Ebola. Giáo viên và ban giám hiệu nhà trường được đào tạo về các biện pháp giám sát và phòng ngừa thích hợp, bao gồm việc đo thân nhiệt học sinh mỗi ngày và yêu cầu các em rửa tay đúng cách khi ra và vào tòa nhà.

Một báo cáo có tầm ảnh hưởng của UNICEF từ năm 1999 đã lập luận rằng trong khủng hoảng, các hoạt động giáo dục không nên chỉ được thiết kế như các biện pháp khẩn cấp ngắn hạn mà phải là các ứng phó nhanh với mục tiêu phát triển dài hạn. Nguyên tắc này vẫn còn đúng cho đến ngày nay và nếu được thực hiện nghiêm túc, có thể đã giúp ngành giáo dục ứng phó tốt hơn với đại dịch COVID - 19. Điều đó có nghĩa là khi lãnh đạo, quản lý các nhà trường và các nhà giáo dục lên kế hoạch cho các hoạt động học từ xa, họ cần tìm cách để phương án ứng phó trước mắt có thể đặt nền tảng đạt được các mục tiêu dài hạn.

  1. Xem xét các hậu quả không lường trước và tìm cách giảm thiểu chúng:

Tính liên tục của giáo dục là một trong những hoạt động rõ nhất để khuyến khích sự kiên cường, hạnh phúc của trẻ em và giảm bớt lo lắng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em sẽ cần hỗ trợ sức khỏe tinh thần, và thực sự điều này hiếm khi khả thi. Đối với phần lớn trẻ em, đảm bảo tính liên tục trong giáo dục an toàn, phù hợp và các dịch vụ xã hội cơ bản khác là đủ để giúp chúng thích nghi với tình hình mới. Các chỉ dẫn nhân đạo để hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tư vấn tâm lý một cách tiếp cận đa tầng với tất cả những người trẻ tuổi được giáo dục, đi kèm với các chương trình cụ thể cho trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương.

Những ý định tốt có thể trở thành sai lầm lớn nếu những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo không được suy nghĩ cẩn thận.

Nếu làm tốt, các hoạt động giáo dục có thể cung cấp một thói quen mang lại cho giới trẻ cảm giác ổn định trong bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng. Đây là một phần quan trọng trong việc giúp trẻ em xử lý và thích nghi theo môi trường thay đổi bên ngoài và phát triển các chiến lược mới để đối phó. Thông tin về an toàn và sức khỏe cộng đồng thường được chia sẻ thông qua các hoạt động giáo dục, như đã trình bày ở trên, có thể làm rõ khủng hoảng và giúp trẻ em cảm thấy làm chủ môi trường tốt hơn. Trong các cuộc khủng hoảng kéo dài, giáo dục mang đến hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn, một chức năng quan trọng trong việc hỗ trợ khả năng phục hồi tự nhiên.

Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, điều quan trọng là các hoạt động giáo dục phải an toàn, phù hợp và toàn diện. Thời điểm khủng hoảng làm sự bất bình đẳng thêm trầm trọng và nguyên tắc “không gây tổn hại” là một mệnh lệnh: bất kỳ hành động nào cũng phải đảm bảo không được gây ra tác động tiêu cực. Lấy cảm hứng từ Lời thề Hippocrates trong hành nghề y, nó đã được phát triển trong lĩnh vực nhân đạo bắt đầu từ cuối những năm 1990 do sự nhận thức ngày càng cao về những hậu quả tiêu cực mà viện trợ nhân đạo có thể gây ra nếu không được thực hiện tốt. Việc nhận thức về vấn đề này được nâng cao ngay sau cuộc diệt chủng Rwandan, khi viện trợ nhân đạo, từ nơi trú ẩn và bảo vệ thực phẩm, hàng hóa, đã được vũ khí hóa để tiếp tục hành động tàn bạo. Trong những trường hợp ít cực đoan hơn, khi sự hỗ trợ khẩn cấp được phân phối không đồng đều và vô tình ưu tiên nhóm người này hơn nhóm khác (ví dụ: người tị nạn so với thành viên cộng đồng địa phương), điều đó có thể dẫn đến sự chia rẽ, bất hòa và đôi khi là bạo lực. Trong một số trường hợp, cách thức phân phối viện trợ thực phẩm khẩn cấp đã khiến phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng tình dục cao hơn. Những ví dụ này minh họa cách các ý định tốt có thể trở nên rất sai lầm nếu những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo không được suy nghĩ cẩn thận.

Điều bắt buộc đối với các hệ thống trường học bị tác động bởi COVID – 19 là áp dụng nguyên tắc không gây tổn hại. Điều này có nghĩa là tạm dừng lại để xem xét các hậu quả ngắn hạn và dài hạn tiềm ẩn của các phương án được đề xuất. Một cách để hiểu những rủi ro đó là tính đến những người hưởng lợi của chương trình. Nói chuyện với học sinh và gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, về các kế hoạch và nghe phản hồi từ họ.

Có một số rủi ro có thể dự đoán. Một rủi ro rất thực tế là làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng đang tồn tại. Ngày nay, đối với những học sinh không được tiếp cận với công nghệ, sách, thực phẩm hoặc người lớn biết chữ ở nhà, việc học từ xa có nguy cơ gia tăng đáng kể khoảng cách giữa họ với những tài nguyên đó.

Rủi ro liên quan đến bảo vệ trẻ em xảy ra thường xuyên trong trường hợp khẩn cấp vì các cơ chế hiện có để giữ an toàn cho trẻ em không thể tiếp cận được hoặc bị phá vỡ. Liệu trẻ em sẽ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến cao hơn khi mà hiện nay hàng trăm triệu thanh thiếu niên đang sử dụng công nghệ để học tập? Liệu việc xác định và hỗ trợ trẻ em bị lạm dụng sẽ khó khăn hơn?

Các chính sách bất hợp lý không được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh là một lĩnh vực khác có thể dự đoán sẽ gây ra hậu quả không lường trước được. Tại Sierra Leone thời hậu chiến, những học sinh cấp hai đã ở trường tị nạn trong nhiều năm phải có chứng chỉ tiểu học do chính phủ cấp để đăng ký vào trường cấp hai, buộc nhiều học sinh phải học lại tiểu học. Làm thế nào để đánh giá quá trình học từ xa của trẻ, và thông tin đó sẽ được sử dụng như thế nào để phân bổ tài chính và các hỗ trợ của nhà trường? Các trường sẽ phản hồi thế nào với đánh giá đó, bằng cách cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những học viên bị tụt lại phía sau, hay đưa ra nội dung nâng cao hơn cho những người đã vượt qua nhanh hơn?

Chúng ta sẽ không biết chắc chắn tất cả các hậu quả không lường trước có thể xảy ra, cả tốt và xấu, từ việc đóng cửa trường học chưa từng có này. Nhưng ngành giáo dục phải nghiêm túc suy nghĩ về những rủi ro có thể xảy ra và cố gắng tìm cách giảm thiểu chúng.

  1. Xây dựng trường học tốt hơn:

Một nguyên tắc trọng tâm trong phục hồi hậu khủng hoảng là tận dụng thời cơ để tái thiết tốt hơn. Trong giáo dục, chúng ta đã thấy nguyên tắc này được áp dụng trên nhiều yếu tố khác nhau của hệ thống trường học. Chẳng hạn, trước khi xảy ra cuộc diệt chủng ở Rwanda, các trường học, mang theo di sản thuộc địa Bỉ, đã công khai ủng hộ người Tutsi và phân biệt đối xử với người Hutus. Tái thiết sau nạn diệt chủng, các trường và nội dung học tập đã được thay đổi ngoạn mục. Tùy thuộc hoàn cảnh, cũng có thể có các hỗ trợ để cải thiện cơ sở hạ tầng. Ví dụ, trong giai đoạn phục hồi sau trận động đất kinh hoàng năm 2005 ở miền bắc Pakistan, các trường học đã được xây dựng lại và trang bị thêm với kết cấu tốt hơn nhiều.

Tìm cách để tái thiết tốt hơn trên tất cả các nguyên tắc đã thảo luận trước đây và cung cấp cho nền giáo dục một dàn ý để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh khủng hoảng.

Có rất nhiều cách khác nhau để hệ thống trường học có thể trở nên mạnh hơn do cuộc khủng hoảng COVID – 19. Một lĩnh vực tiềm năng xoay quanh sự tham gia của phụ huynh trong giáo dục. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi cha mẹ tham gia vào việc giáo dục con cái, đặc biệt thông qua việc đặt câu hỏi về những gì con đang học ở trường, học sinh sẽ học tốt hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em của các gia đình có thu nhập thấp, khi các trường thường xuyên phải vật lộn để xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa với cha mẹ. Các trường học có thể xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa này trong quá trình học từ xa và duy trì chúng khi trở lại trạng thái bình thường.

Một lĩnh vực tiềm năng khác có thể xoay quanh việc tích hợp công nghệ và giáo dục. Học từ xa có thể buộc nhiều giáo viên và ban giám hiệu nhà trường phải thúc đẩy công nghệ, và mức độ xúc tiến trôi chảy này có thể được duy trì sau khủng hoảng để hỗ trợ học sinh (đồng thời luôn lưu ý những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn đi kèm).

Nhiều hệ thống giáo dục sẽ nhận thấy việc trở lại “bình thường” sẽ không còn là một lựa chọn, nhưng chính điều này có thể trở thành đòn bẩy quan trọng xúc tác cho việc chuyển đổi hệ thống –điều tối cần thiết hiện nay ở nhiều nơi trên toàn cầu.

Một lĩnh vực tiềm năng cuối cùng bao gồm chính các hệ thống trường học và sự sẵn sàng của họ để đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác. Nếu không phải là điều gì khác, COVID – 19 đã chỉ ra việc hầu hết các hệ thống giáo dục thiếu nghiêm trọng các kế hoạch ứng phó khẩn cấp như thế nào.  Có được các hệ thống giáo dục kiên cường hơn sẽ là rất tốt.

KẾT LUẬN

Cộng đồng giáo dục trong trường hợp khẩn cấp có nhiều bài học quan trọng để hỗ trợ khi hệ thống các trường học trên khắp thế giới ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID – 19. Các giải pháp sáng tạo cung cấp các ứng phó tức thì, xem xét các hậu quả không lường trước và đặt nền tảng để xây dựng lại tốt hơn có thể đến từ, và được áp dụng cho bất kỳ nơi nào trên toàn cầu. Nhiều hệ thống giáo dục sẽ nhận thấy việc trở lại “bình thường” sẽ không còn là một lựa chọn, chính điều này có thể là một đòn bẩy quan trọng xúc tác cho việc chuyển đổi hệ thống hiện đang là điều rất cần thiết ở nhiều nơi trên toàn cầu.

Nguồn:https://www.brookings.edu/research/covid-19-and-school-closures-what-can-countries-learn-from-past-emergencies/

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm