Hội thảo Tham vấn hỗ trợ thúc đẩy giáo dục cho người Điếc

Sáng ngày 8/6/2016,Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) phối hợp với Chi Hội người Điếc Hà Nội (HAD) đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn hỗ trợ thúc đẩy giáo dục cho người Điếc” tại Khách sạn Quân Đội, 33C Phạm Ngũ Lão,Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt – Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Ban Chỉ đạo giáo dục khuyết tật – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội.

 

Ngoài ra còn có sự tham dự của cán bộ và giáo viên Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm và Trường Cao đẳng sư phạm Trung Ương, đại diện giáo viên trường dạy trẻ điếc Nhân Chính, các tổ chức tâm huyết trong và ngoài nước làm về người điếc và người khuyết tật như: Trung tâm giáo dục đào tạo NNKH và hỗ trợ người điếc miền Trung (CDS), Hội cha mẹ trẻ điếc, Hội phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu, các em học sinh điếc của trường CĐSP TW. Hội Người khuyết tật Hà Nội, Trung tâm ACDC, Tổ chức Word Concern (dự án IDEO) và một số tổ chức thành viên của VAEFA.

Hội thảo đặc biệt vinh dự có sự tham dự của ông Bernie Lovegrove, Trưởng điều phối và chị Helen Dabu, Phó điều phối khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự án CSEF, đại diện Hiệp hội Giáo dục cơ bản và giáo dục người lớn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ASPBAE).

Và đặc biệt không thể thiếu sự tham gia của người điếc đến từ Ban Vận động thành lập Hội người điếc Việt Nam, Chi hội người điếc Hà Nội, các Câu lạc bộ người điếc Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Mục tiêu của hội thảo nhằm tham vấn thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các chuyên gia, các tổ chức và các nhà hoạch định chính sách giáo dục cho Kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy giáo dục cho người Điếc của VAEFA và HAD để người điếc có thể tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng.

Đại diện Chi Hội người Điếc Hà Nội, Phan Ngọc Việt trình bày về Luật Người Khuyết Tật Việt Nam và Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (CRPD). Trong đó, Luật NKT Việt Nam đã được Quốc Hội phê chuẩn vào năm 2010, chính thức ban hành vào 1/1/2011 nhấn mạnh rằng người Điếc có quyền được tiếp cận giáo dục bằng phương pháp Ngôn ngữ ký hiêu và lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu năng lực của người Điếc.  Mặc dù hiện nay vẫn chưa được áp dụng triệt để trong các trường/trung tâm do nhiều rào cản và thách thức lớn về mặt nguồn nhân lực và chương trình giáo dục còn nhiều vấn đề tồn tại.

Đặc biệt là Quốc hội đã phê chuẩn CRPD vào ngày 5 tháng 2 năm 2015, mở ra một hướng đi với nhiều cơ hội lớn và niềm tin rằng Người khuyết tật được đối xử công bằng và bình đẳng trong xã hội. Đối với người Điếc thì trong các điều của Công ước đều đã ghi nhận ngôn ngữ ký hiệu bình đẳng với các ngôn ngữ khác và người điếc có quyền được tiếp cận dịch vụ đa dạng thông qua phiên dịch Ngôn Ngữ Ký Hiệu và được giáo dục theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục ban hành nhưng hoàn toàn được giảng dạy bằng Ngôn ngữ ký hiệu.

Anh Nguyễn Tuấn Linh, Chủ tịch Chi hội Người điếc Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án trong nước và từ các quốc gia khác trong giáo dục và hỗ trợ cho người điếc.  Với thông tin từ các chuyến công tác của đại diện Chi hội người điếc Hà Nội tại Nhật Bản,Thái Lan và Mông Cổ, người điếc đã học hỏi và mở rộng hiểu biết về một nền giáo dục chất lượng dành cho người Điếc. Qua những chuyến đi tuyệt vời đó, anh Linh nhận thấy rằng người Điếc hoàn toàn có thể tiếp cận giáo dục một cách đầy đủ từ cấp bậc mầm non đến bậc đại học, sau đại học nếu được giảng dạy bằng phương pháp Ngôn ngữ ký hiệu với các giáo viên người Điếc và giáo viên người Nghe thành thạo Ngôn Ngữ Ký Hiệu và sự hỗ trợ của các phiên dịch chuyên nghiệp.  Điều này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách với người nghe về mặt trình độ.

Việc thành lập các Câu lạc bộ (CLB) người Điếc từ các tỉnh/thành khắp cả nước trong thời gian ngắn, từ trước năm 2014 có 7 CLB nhưng hiện nay đã có tới 30 CLB có vai trò vô cùng quan trọng dẫn đến sự ra đời Ban vận động Hội người Điếc VN vào tháng 1 năm 2014 nhằm thúc đẩy, phổ biến, tuyên truyền thông tin và nâng cao nhận thức về Quyền của người Điếc trong Luật Người Khuyết Tật Việt Nam và Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (CRPD). Đây cũng là nơi gặp gỡ giao lưu và chia sẻ ý tưởng sáng tạo về các hoạt động tích cực của người điếc.

Hội thảo đã lắng nghe phần chia sẻ của Ths. Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy nghiên cứu văn hóa điếc – Đại học Đồng Nai và GS. TS Ngôn ngữ học James Wooward, đại học Georgetown đồng thời là Giám đốc dự án Giáo dục đại học cho người điếc tại Việt Nam phát biểu về quá trình lịch sử giáo dục cho người Điếc, phương pháp giáo dục song ngữ và đưa ra đánh giá kết quả thành tựu học tập của các em học sinh Điếc kể từ khi thành lập năm 2000 cho tới nay.  Thật tự hào rằng đã có 1 người Điếc Việt Nam là chị Nguyễn Trần Thủy Tiên đầu tiên nhận tấm bằng thạc sỹ tại đại học Gallaudet (Mỹ) vừa qua, một người Điếc đã đỗ thủ khoa ngành hội họa Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và 1 học sinh Điếc là Hà giành giải ba trong cuộc thi toán quốc gia trên máy tính cầm tay cấp tỉnh do Bộ GD&ĐT tổ chức.  Tất cả những kết quả đó là của những học sinh được học qua phương pháp Ngôn ngữ ký hiệu phù hợp với nhận thức và trình độ căn bản của các em học sinh Điếc. Các kết quả này là minh chứng rõ ràng về mô hình giáo dục chuyên biệt này, mô hình sử dụng phương pháp ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết tiếng Việt và vẫn học theo chương trình do Bộ Giáo dục ban hành.

Sau đó các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đều hoan nghênh đánh giá cao những kết quả tích cực mà cô Hòa cùng giáo sư Woodward đã nêu, cũng như phần trình bày của đại diện của HAD.  Các đại biểu đại diện cho tất cả các bên tham gia đều có cơ hội phát biểu ý kiến của mình, bày tỏ quan điểm khác nhau về giáo duc hòa nhập và chuyên biệt dành cho người Điếc.  Mỗi người đều nhận định những vấn đề khác biệt trong việc dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc sử dụng ngôn ngữ nói, chưa có sự đồng thuận giữa các bên.  Tuy vậy, các tổ chức và các bên liên quan có mặt ở hội thảo đều mong muốn tham gia và nỗ lực hết mình để hỗ trợ thúc đẩy giáo dục cho người Điếc, ủng hộ kế hoạch phối hợp vận động chính sách hỗ trợ thúc đẩy giáo dục cho người điếc giai đoạn 2016-2018 của VAEFA và HAD.

Sau hội thảo này, VAEFA sẽ tiếp tục liên hệ với rất nhiều các bên liên quan có mặt trong hội thảo để hình thành Nhóm làm việc về giáo dục cho người điếc, một diễn đàn để các bên liên quan cùng thảo luận và thống nhất các vấn đề liên quan đến giáo dục cho người Điếc và xây dựng, tiến hành môt số hoạt động phối hợp.  Đại diện Ban chỉ đạo giáo dục khuyết tật Bộ GD và ĐT đã bày tỏ sự đồng tình tham gia trong nhóm làm việc.

Theo nhận xét của ông Phương, Phó Chủ tịch VAEFA, đây là buổi hội thảo thành công tốt đẹp vì lần đầu tiên mỗi đại diện tổ chức đều mang tiếng nói đóng góp tích cực và sôi nổi,nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và thảo luận mang tính xây dựng về tính bền vững trong giáo dục cho người Điếc.  Chị Helen hy vọng rằng trong tương lai sẽ tiếp tục nhiều hội thảo như thế này để tìm ra giải pháp chiến lược mang tính xây dựng và hiệu quả nhằm cải thiện tiếp cận và đảm bảo chất lượng giáo dục tốt hơn cho người Điếc.

Kèm theo file sau đây:

1. Luật người khuyết tật Việt Nam và CRPD

2.Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về người Điếc

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm